Định vị Huế là tiêu điểm ẩm thực Đông Nam Á

VHO - Nhiều chuyên gia cho rằng Huế có lợi thế khi xây dựng hồ sơ tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) ở lĩnh vực ẩm thực. Qua đó, hiến kế để địa phương từng bước tiếp cận, đáp ứng các tiêu chí của UNESCO…

Định vị Huế là tiêu điểm ẩm thực Đông Nam Á - Anh 1

 Hội thảo “Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO và khả năng chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa ở Huế”

Tại hội thảo “Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO và khả năng chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa ở Huế” diễn ra cuối tuần qua, nhiều chuyên gia cho rằng Huế có nhiều tiềm năng và lợi thế khi xây dựng hồ sơ tham gia UCCN. Vốn là Cố đô, Huế có nhiều tài nguyên văn hóa nổi bật như ẩm thực, thủ công truyền thống, nghệ thuật dân gian…

Ẩm thực hay nghề thủ công truyền thống?

Tuy nhiên đây cũng là vấn đề, thách thức trong việc nhận diện thế mạnh, phù hợp với các tiêu chí của UNESCO khi tham gia mạng lưới UCCN. Một số các cơ quan, chuyên gia cho rằng Huế phù hợp với thành phố sáng tạo ở nghề thủ công truyền thống bởi địa phương này đã có kinh nghiệm và phát huy thương hiệu của nhiều kỳ Festival Nghề truyền thống Huế (tổ chức các năm lẻ); trong khi đó, nhiều chuyên gia và lãnh đạo tỉnh lại định hướng ở lĩnh vực ẩm thực.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) cho biết, một số thành phố sáng tạo ẩm thực tại châu Á như Jeonju (Hàn Quốc), Dương Châu, Thành Đô (Trung Quốc) có điểm khá tương đồng với Huế, đó là các thành phố đều có lịch sử lâu đời, là những thực thể sống động với sự đa dạng về các biểu đạt văn hóa và hầu hết đều có đan xen các thế mạnh về ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian. Đặc biệt, Jeonju và Huế đều từng là Cố đô với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ lưu giữ nhiều giá trị văn hóa ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian, trang phục truyền thống Hanbok và Áo dài mang đậm bản sắc của mỗi dân tộc. Chính vì thế, ngay từ khởi đầu, việc lựa chọn hoặc ẩm thực, hoặc thủ công và nghệ thuật dân gian thường không đơn giản đối với các thành phố.

Định vị Huế là tiêu điểm ẩm thực Đông Nam Á - Anh 2

 Vả trộn tôm thịt đặc trưng xứ Huế, món ăn bình dân hấp dẫn khách du lịch

Trường hợp của Huế, tiếp cận từ những gợi mở kinh nghiệm quốc tế và các kết quả khảo sát tiền khả thi, nhiều ý kiến giả định thành phố có nhiều lợi thế để lựa chọn lĩnh vực ẩm thực. Nếu theo lựa chọn này, quá trình chuẩn bị dữ liệu cho hồ sơ đăng ký trở thành thành viên của UCCN vào năm 2025 hoặc năm 2027 cần phải được triển khai có lộ trình bài bản ngay từ bây giờ. Trong quá trình triển khai, Huế rất cần tham khảo kinh nghiệm của Jeonju trong việc thành lập nhóm tư vấn, hoặc ủy ban tư vấn với sự tham gia của các đại diện chính quyền, các chuyên gia, các nhà sáng tạo trong lĩnh vực ẩm thực và các doanh nghiệp; qua đó, để rà soát lại toàn bộ hệ thống dữ liệu của thành phố có đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt của mạng lưới thành phố ẩm thực hay không. Việc rà soát cũng sẽ cho thấy điểm mạnh cần phát huy hoặc điểm yếu cần có giải pháp khắc phục trước khi thành phố gia nhập mạng lưới.

“Ở thời điểm hiện tại, dựa trên các kết quả khảo sát ban đầu và chưa đầy đủ, chúng tôi nhận thấy, có một số tiêu chí của hồ sơ ẩm thực thuộc mạng lưới UCCN đang được nhìn nhận là thế mạnh của Huế và cần được phát huy. Cụ thể, cần phát huy thế mạnh “Kinh đô ẩm thực của Việt Nam” để định vị Huế là tiêu điểm ẩm thực Đông Nam Á. Dựa trên sự đa dạng của các món ăn, trong đó có hàng nghìn món ăn đã được kiểm kê, thuộc 3 loại ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình, ẩm thực chay triển khai các sáng kiến quốc tế hóa món ăn Việt Nam. Gắn kết ẩm thực với không gian văn hóa Cố đô, các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là nghề thủ công, nghệ thuật dân gian và trang phục áo dài trong chiến lược phát triển Huế theo hướng bền vững từ sự chuyển hóa năng động các nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm của nhóm ngành công nghiệp văn hóa”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương đề xuất.

 Huế lựa chọn lĩnh vực ẩm thực để tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, bởi đây là một trong những thành tố quan trọng của văn hóa Huế, đáp ứng những nhu cầu của xã hội, đồng thời tạo cơ hội xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế gắn liền phát triển tài nguyên văn hóa và con người, bảo vệ môi trường sinh thái.

(Ông PHAN NGỌC THỌ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế)

Đã xây dựng đề án “Kinh đô ẩm thực”

Theo các nguồn tài liệu và kiểm kê, điều tra thì Huế có 1.700 món ăn, thức uống, được chia 3 loại: ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình và ẩm thực chay. Các món ăn được chế biến hấp dẫn, khéo léo, coi trọng phần chất hơn lượng, cùng với nghệ thuật bày biện đẹp mắt và nghệ thuật thưởng thức tinh tế.

Đối với ngành du lịch, ẩm thực là loại hình du lịch có sức hút rất lớn đối với du khách hiện nay. Trên thực tế, nhiều du khách chọn Huế là điểm đến du lịch xuất phát từ động cơ khám phá ẩm thực Huế. Ngoài trải nghiệm cơm cung đình, tiệc cung đình, các món chay, du khách còn muốn khám phá ẩm thực truyền thống, như bún bò Huế, cơm hến, bánh canh, nem lụi, bánh khoái, các loại bánh Huế, và các loại chè do người dân Huế trực tiếp chế biến để có những trải nghiệm đích thực về các sản phẩm “nguyên bản” của Huế.

Định vị Huế là tiêu điểm ẩm thực Đông Nam Á - Anh 3

 Ẩm thực Huế thu hút du khách trải nghiệm và thưởng thức

Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã và đang tích cực hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương thông qua việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đã có 65 nhãn hiệu tập thể, 9 nhãn hiệu chứng nhận, 2 chỉ dẫn địa lý được cấp; trong đó, phần lớn là các đặc sản ẩm thực và sản phẩm nông nghiệp. Từ các nhãn hiệu tập thể: Bún bò Huế, thanh trà Huế, mè xửng Huế, tôm chua Huế, bún Ô Sa, bún Vân Cù, ném Điền Môn, rượu làng Chuồn, mật ong Nam Đông, bưởi cốm Hương Thọ…, cho đến hàng trăm nhãn hiệu cá nhân cho chè Huế, bánh Huế, ẩm thực chay, nhà hàng phong cách Huế…

Theo ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, nhằm tôn vinh giá trị ẩm thực Huế, tỉnh đã xây dựng đề án “Kinh đô ẩm thực” với các mục tiêu cụ thể: Hình thành thương hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực” và đăng ký sở hữu trí tuệ đối với một số món ăn đặc sản Huế. Nhiều năm qua, tỉnh đã nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, thúc đẩy sự sáng tạo để ẩm thực phát triển, góp phần tạo sinh kế, giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân và tạo ra các sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo của địa phương. Điều này phù hợp các yêu cầu mà UNESCO đặt ra cho các ứng cử viên tham gia mạng lưới. “Huế lựa chọn lĩnh vực ẩm thực để tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, bởi đây là một trong những thành tố quan trọng của văn hóa Huế, đáp ứng những nhu cầu của xã hội, đồng thời tạo cơ hội xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế gắn liền phát triển tài nguyên văn hóa và con người, bảo vệ môi trường sinh thái”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Sau gần 20 năm hình thành, mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với 7 lĩnh vực: thiết kế, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thống, âm nhạc, điện ảnh, thủ công và nghệ thuật dân gian đã lan tỏa đến 301 thành phố tại 90 quốc gia trên toàn cầu. Tại Việt Nam, hiện nay chỉ có Hà Nội đã được tham gia vào UCCN từ năm 2019 ở lĩnh vực thiết kế; một số thành phố tiềm năng cũng đang xây dựng hồ sơ, như: Hội An với lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian; Đà Lạt ở lĩnh vực âm nhạc… 

 Ở thời điểm hiện tại, dựa trên các kết quả khảo sát ban đầu và chưa đầy đủ, chúng tôi nhận thấy, có một số tiêu chí của hồ sơ ẩm thực thuộc mạng lưới UCCN đang được nhìn nhận là thế mạnh của Huế và cần được phát huy. Cụ thể, cần phát huy thế mạnh “Kinh đô ẩm thực của Việt Nam” để định vị Huế là tiêu điểm ẩm thực Đông Nam Á.

Dựa trên sự đa dạng của các món ăn, trong đó có hàng nghìn món ăn đã được kiểm kê, thuộc 3 loại ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình, ẩm thực chay triển khai các sáng kiến quốc tế hóa món ăn Việt Nam.

(PGS.TS NGUYỄN THỊ THU PHƯƠNG, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN)

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc